"Bún đậu mắm tôm" được xem là món ăn đặc
trưng của người Hà Nội và khi "Nam tiến" cách đây vài năm đã nhận
được sự huởng ứng của nhiều thực khách Sài Gòn. Vậy cho tới nay, bún đậu Sài
Gòn đang có những chuyển biến thế nào?
Văn hóa ẩm thực của người Sài Gòn khá phóng khoáng
nên họ dễ dàng đón nhận những món ăn truyền thống ở vùng miền khác du
nhập vào, tuy nhiên nếu không có điều gì đặc biệt và không hợp khẩu vị
của phần lớn người miền Nam, các món ăn cũng chỉ gây được tiếng vang trong một
thời gian ngắn. Món bún đậu mắm tôm cũng không phải ngoại lệ.
Xuất hiện vào đầu năm 2013, bún đậu mắm tôm đã
khuấy đảo làng ẩm thực Sài Gòn, nhanh chóng trở thành một "hiện
tượng". Tạo dấu ấn ở vùng đất mới trong khoảng hơn 1 năm, bún
đậu mắm tôm đã làm thay đổi thói quen khi món ăn này không còn là ăn
vặt theo trào lưu nữa mà đã trở thành bữa ăn chính trong ngày của nhiều
người.
Nguồn gốc của bún đậu mắm tôm xuất xứ từ Hà Nội,
đây cũng được xem là món ăn đặc trưng của người dân nơi đây. Mặc dù là
món ăn du nhập từ miền Bắc, có mùi vị rất khác lạ so với cách chế biến
thông thường của người miền Nam nhưng quán bún đậu nào ở Sài Gòn cũng đều
đông khách từ lúc khai trương.
Người đưa bún đậu mắm tôm "khai phá lập địa" ở Sài
Gòn chính là người mẫu Trang Trần với quán bún đậu đầu tiên nằm ở đường Cống Quỳnh
mang tên "Cô Khàn". Công thức và cách chế biến y hệt bún đậu ngoài Hà
Nội, khiến cả những ngôi sao Nam lẫn Bắc ùn ùn kéo đến ủng hộ, và món bún đậu mắm
tôm cũng từ đó nổi lên như cồn.
Sau đó, hàng loạt hàng quán mới khác cũng mọc lên khắp nơi,
từ vỉa hè đến nhà hàng, đâu đâu người ta cũng kháo nhau về một món Bắc vừa đáp
vào Nam. Từ đường Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão (Q.1) cho đến Pasteur, Lý Chính Thắng
(Q.3), Hồng Hà (Q.Tân Bình), Phan Xích Long (Quận Phú Nhuận)… đâu đâu cũng có
hàng bún đậu mắm tôm. Dù có cùng công thức, giá cả không chênh lệch là mấy, tuy
nhiên phong cách và thói quen thưởng thức bún đậu mắm tôm ở cả hai miền đều có
sự khác biệt.
Người Sài Gòn ăn bún đậu bất kể ngày giờ
Nếu người Hà Nội kiêng ăn bún đậu mắm tôm vào mồng 1, thì
người Sài Gòn thường không quá chú trọng ngày tháng. "Cứ thèm thì đi
ăn!", là phong cách thưởng thức bún đậu ở Sài Gòn.
Nhiều thực khách Sài Gòn mới lần đầu thưởng thức
bún đậu mắm tôm đã mê mẩn bởi hương vị lạ, bún và đậu hũ đều là món
nguội dễ chế biến. Chị Tăng Thị Nhi (quận Bình Thạnh) chia sẻ: "Thật
ra mới nghe "PR" rầm rộ trên facebook tôi cũng không định đi ăn
đâu vì sợ không thích nghi được với món... mắm tôm. Nhưng khi ăn thử
một lần thấy cũng ngon, vì mình là người miền Nam cảm nhận món ăn
cũng độc lạ. Tôi thường ăn vào tất cả thời điểm trong ngày, thích
thì đi ăn chứ không quy định giờ giấc".
Người Sài Gòn ăn bún đậu mắm tôm bất cứ lúc nào cảm thấy
thèm và đói, không cần biết là trưa chiều hay tối.
Còn theo lời chia sẻ của chủ quán bún đậu mắm tôm
trên đường Võ Thị Sáu (quận 3), chị cho biết hầu hết người thích món
ăn này là dân công sở và giới trẻ. Dân công sở thường ăn trưa, nhất là khi
có hàng bún đậu mắm tôm gần công ty là trưa nào cũng đông nghịt khách. Trong
khi đó giới trẻ thường chọn ăn vào buổi tối, kể cả buổi sáng.
Điều đặc biệt, chuyên gia này cũng nhận xét và cho
rằng bún đậu mắm tôm Hà Nội ngon hơn là do phần rau ăn kèm. "Rau
thơm ăn kèm với bún đậu ở Hà Nội rất ngon. Nếu rau thơm để bán được
trong Sài Gòn thì chi phí rất cao nên rất ít quán nhập về", vị
chuyên gia chia sẻ.
Theo Tri Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét